Bình Dương: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040
UBND huyện Phú Giáo (Bình Dương) vừa gửi Tờ trình cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương về việc thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040. Theo đó, quy hoạch xác định 3 vùng phát triển cho huyện gồm: Vùng công nghiệp – đô thị trung tâm, vùng nông nghiệp ven sông Bé và vùng bảo tồn thiên nhiên.
Quy hoạch là cơ sở để triển khai và quản lý hoạt động xây dựng
Đồ án quy hoạch vùng huyện Phú Giáo có vai trò là đồ án tổng hợp định hướng quy hoạch của các ngành và cụ thể hóa các định hướng thành một đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, đồng thời còn là cơ sở để thực hiện các bước quy hoạch tiếp theo cho các địa phương trong huyện.
Ông Văn Quang Chinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết: Quy hoạch được xây dựng trên tinh thần khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai nhằm tạo ra nguồn lực phát triển, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của toàn huyện. Bảo đảm sự phát triển hài hoà giữa các khu vực cũng như tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực trong huyện.
Mục tiêu của đồ án quy hoạch là cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã được định hướng trong Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Định hướng phát triển không gian toàn huyện phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội đã đề ra trong quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế xã hội đã phê duyệt; Định hình sự phát triển không gian toàn huyện, bao gồm sự phát triển của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, định hướng sử dụng đất, các đô thị, các khu chức năng hướng đến một đô thị xanh, đô thị sáng tạo hướng đến hiện đại và thông minh.
Đồng thời, đồ án là cơ sở pháp lý để quản lý về hoạt động xây dựng trên toàn huyện, nhằm đảm bảo sự phát triển không gian của vùng đúng với các định hướng đã đề ra trong đồ án; Đồng bộ quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành; Làm cơ sở để triển khai các đồ án quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư và thực hiện đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt, trong giai đoạn 2020- 2025, 2025-2030 và 2030-2040.
Theo đó đến năm 2030 phát triển theo hướng Nông nghiệp – Công nghiệp – Đô thị, Dịch vụ; Đến năm 2040 phát triển theo hướng Công nghiệp – Đô thị, Dịch vụ – Nông nghiệp.
Chức năng của quy hoạch xác định, Phú Giáo là huyện cửa ngõ phía Đông Bắc của Bình Dương, kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên; Là vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ đóng vai trò chủ lực; Là vùng sản xuất công nghiệp mới của tỉnh với định hướng phát triển các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp gắn với phát triển đô thị tại một số khu vực, đảm bảm phát triển kinh tế ổn định và bền vững; Đồng thời là vùng bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ cảnh quan sinh thái cho khu vực phía Đông Bắc tỉnh Bình Dương.
3 vùng phát triển
Theo ông Văn Quang Chinh, cấu trúc không gian phát triển huyện Phú Giáo được chia thành 03 vùng phát triển, cụ thể:
Vùng 1 là vùng công nghiệp – đô thị trung tâm: Gồm thị trấn Phước Vĩnh, mang tính chất trọng tâm hạt nhân đô thị. Tại đây tập trung các công trình trung tâm hành chính, chính trị, công cộng, dịch vụ, thương mại, các Khu, cụm công nghiệp. Qua đó gắn với khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản, lâm sản, thực phẩm, sản xuất đầu vào cho nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng… mở rộng dân cư đô thị tại các xã An Bình, Tam Lập, Vĩnh Hòa, Tân Hiệp.
Vùng 2 xác định là vùng nông nghiệp ven sông Bé: gồm 8 xã An Long, An Linh, Tân Long, An Thái, Phước Sang, Phước Hòa, Tân Hiệp, Vĩnh Hòa. Đây là khu vực phát triển các khu dân cư sinh thái, khu nhà ở tập trung hiện đại gắn với nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao và du lịch; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho các ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp; Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trang trại, gia trại. Lấy trục cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành làm trục động lực phát triển đô thị dịch vụ để hình thành 03 Khu vực đô thị mới tại xã Phước Hòa, Tân Long, An Long.
Vùng 3 là vùng bảo tồn thiên nhiên gồm một phần xã Tam Lập, phát triển dịch vụ du lịch, tổ chức các hoạt động du lịch dưới tán rừng đối với các khu vực cần bảo vệ; Phát triển dân cư gắn với lâm nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Căn cứ theo 3 vùng phát triển, quy hoạch phân bố hệ thống đô thị, trong đó đô thị trung tâm là thị trấn Phước Vĩnh đô thị loại IV và các đô thị mới phát triển theo tiêu chí của đô thị loại V như: Khu đô thị mới Tam Lập, Khu đô thị mới Phước Hòa, Khu đô thị mới An Bình, Khu đô thị mới An Long, Khu đô thị Vĩnh Hòa, Khu đô thị Tân Long…
Ngoài ra, khu vực phát triển đô thị gắn với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành với tính chất là khu đô thị – khu dân cư sinh thái gắn với phát triển thương mại dịch vụ gồm: Khu vực phát triển đô thị Phước Hòa (quy mô 367ha), Khu vực phát triển đô thị Tân Long (l.000ha), khu vực phát triển đô thị An Long (trùng với Khu đô thị mới An Long, quy mô 540ha).
Bên cạnh đó, còn quy hoạch xây dựng xã theo mô hình nông thôn mới tập trung gắn với hệ thống giao thông liên huyện, liên xã. Điểm dân cư mới hình thành gắn với các vùng chuyên canh lớn, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hệ thống các điểm dân cư có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ gắn với điểm dân cư tập trung với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, giảm dần khoảng cách với cuộc sống đô thị. Phấn đấu đến cuối năm 2030 có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.
Quy hoạch cũng bố trí 11 khu tái định cư trên địa bàn 10 xã để phục vụ cho việc giải tỏa, đền bù thực hiện các công trình thiết yếu và hạ tầng giao thông trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 124ha và 4 vị trí đất bán đấu giá (khoảng 87ha) phục vụ cho việc đầu tư các cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Đồng thời cũng bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phục vụ cho các Khu công nghiệp dự kiến hình thành trên địa bàn huyện như: Khu nhà ở xã hội An Bình (96ha), Khu nhà ở xã hội Tam Lập (49,4ha)…
Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phú Giáo đến năm 2040 được phê duyệt sẽ là cơ sở giúp huyện thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển theo hướng văn minh hiện đại và bền vững.