Vai trò then chốt của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong sự phát triển kinh tế tỉnh Bình Dương
Bước sang đầu thế kỷ 21, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực khẳng định được vị trí của một tỉnh phát triển về công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Công nghiệp phát triển với tốc độ cao và tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực của cả nền kinh tế, ngành công nghiệp luôn là ngành có tỷ trọng cao nhất trong tổng GRDP của tỉnh. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm 97% tỷ trọng của cả ngành công nghiệp và chiếm 61-62% GRDP của tỉnh. Có thể thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành công nghiệp chủ lực, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của cả ngành công nghiệp cũng như cả nền kinh tế nói chung. Từ những đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đối với sự phát triển kinh tế tỉnh nhà, có thể thấy việc nâng cao vai trò, vị thế, sức cạnh tranh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu là vấn đề quan trọng và cần thiết nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành công nghiệp nói riêng cũng như tăng trưởng GRDP nói chung.
Hình 1. Dây chuyền sản xuất đèn năng lượng của Công ty Elessun
Bảng. Đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP giai đoạn 2018-2022
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương
Phương án phát triển các ngành công nghiệp tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Một là, Phát triển công nghiệp CBCT gắn kết với củng cố quốc phòng và an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tốt hơn. Hai là, Công nghiệp CBCT phát triển bao trùm và bền vững với trụ cột công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ba là, Phát triển công nghiệp CBCT kết hợp cả chiều rộng lẫn chiều sâu, chú trọng công nghiệp công nghệ cao… và góp phần đạt mục tiêu cân bằng các-bon-níc vào năm 2050 của đất nước. Bốn là, Chủ động kiến tạo, phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp CBCT với các ngành kinh tế khác. Năm là, Chủ động tham gia công cuộc tái cơ cấu ngành, tái tổ chức không gian phát triển tỉnh với chủ trương thu hút đầu tư chủ yếu vào Khu, Cụm công nghiệp (KCCN) và hạn chế tối đa bên ngoài KCCN; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp nằm ngoài KCCN ở địa bàn phía Nam thực hiện chuyển đổi công năng, di dời vào KCCN theo Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 31/10/2019.
Song song đó, Phương án phát triển các ngành công nghiệp cũng đưa ra phương án tái cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, định hướng tái cơ cấu công nghiệp tỉnh Bình Dương tập trung vào 03 nội dung chính là:
Thứ nhất, Đổi mới mô hình tăng trưởng công nghiệp gắn kết chặt chẽ với nâng cao hiệu quả các nguồn lực phát triển. Chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, điều chỉnh mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa trên số lượng sang chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, chuyển đổi số. Ưu tiên phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, sạch, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.
Thứ hai, Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên: Tập trung phát triển các ngành như: ngành điện-điện tử, ngành cơ khí chế tạo, ngành hóa chất, công nghiệp hỗ trợ; Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng phát triển các cụm ngành gỗ-giấy-giường…, dệt may-da giày và chế biến nông-thủy sản.
Thứ ba, Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp: khai thác và tận dụng tốt nhất các đặc điểm vị trí địa lý-kinh tế, kết cấu hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và xã hội; Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp với phát triển các ngành kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Khuyến khích phát triển các mô hình khu, cụm công nghiệp xanh, bền vững, sinh thái như khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái. Phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao cùng với khu công nghệ cao và/hoặc khu khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên.
Hình 2. Chế biến Gỗ tại Công ty Danh Tùng
Ngoài ra, Chương trình số 111-CTr/TU ngày 17/3/2023 của Tỉnh ủy Bình Dương về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường với phương châm: Cơ cấu lại ngành công nghiệp, nâng cao chất lượng ngành công nghiệp; Xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước phù hợp, với cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ, thu hút đầu tư từ các tập đoàn sản xuất lớn, đa quốc gia, chú trọng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do. Điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng gắn với vùng Đông Nam Bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể tỉnh, lợi thế của từng địa phương, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang đường vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng Đông Nam Bộ qua tỉnh Bình Dương. Nâng chất lượng các khu, cụm công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp 4.0; Thúc đẩy dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.”
Đây là chính sách xác định mô hình tăng trưởng kinh tế không phải là việc lựa chọn giữa công nghiệp hay dịch vụ, mà phải xác định sản xuất là cốt lõi, và dịch vụ phục vụ sản xuất phải luôn đồng hành cùng sản xuất, phục vụ sản xuất, và tạo ra giá trị gia tăng cho các ngành sản xuất.
Đại Dương – P.QLCN